Sự thật
- Đĩa than thường có loại méo âm dựa vào thời gian wow-and-flutter có thể đo được (đôi lúc có thể nghe được), nhạc số không gặp phải những vấn đề này.
- Đĩa than thường có độ méo đo được trong ngưỡng nghe ở người (20Hz – 20kHz) từ nhiều lý do khác nhau như thay đổi góc tì đầu kim. Méo ở nhạc số thường nằm ngoài phạm vi nghe được của con người.
- Đĩa than sẽ bị xước, bị mài mòn sau mỗi lần chơi, như vậy nguồn phát nhạc bắt đầu xuống cấp. Trong khi đó file nhạc số gần như không có vấn đề suy hao này.
- Khi chơi đĩa than, nếu một mặt của đĩa được chơi hết, người nghe sẽ phải dừng lại để chuyển sang mặt bên kia. Ở nhạc số không có sự gián đoạn này vì người chơi có thể cho vào danh sách bao nhiêu bản nhạc cũng được.
- Đĩa than thường chiếm nhiều khoảng không gian hơn nhạc số.
- Một mâm đĩa than thường cần phải được trang bị motor chất lượng cao và không ít thời gian lắp đặt hệ thống cho chuẩn. DAC đôi lúc cũng đòi hỏi một chút kỹ năng để lắp đặt.
- Mâm đĩa than cao cấp thường rất đắt. Ngày nay DAC cao cấp cũng có thể đắt không kém.
- Hiện tại, nguồn nhạc đĩa than giới hạn chủ yếu ở việc master lại các băng analog cũ hoặc sử dụng nhạc số để chuyển đổi sang đĩa than. Trong khi đó, lượng nhạc số cả mới lẫn cũ đều rất nhiều, rất đa dạng.
- Kim đĩa than và tay cơ bắt buộc phải có độ thuận khớp nhau để tránh hiện tượng công hưởng. Nhạc số không gặp phải vấn đề này.
- Rung chấn vật lý ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu năng trình diễn của đĩa than, nhưng với nhạc số điều này không bao giờ xảy ra.
- Đĩa than đòi hỏi phải có độ lợi và EQ RIAA bổ sung. Nhạc số không cần những thứ này
- Chúng ta đang được chứng kiến sự hồi sinh của định dạng đĩa than, do đó rất nhiều thương hiệu đĩa than mới cũng xuất hiện. DAC mới gần như được ra mắt liên tục.
- Khi chơi đĩa than, đầu kim sẽ bị mài mòn, do đó cần phải được thay đổi thường xuyên để không làm xước, hỏng đĩa than.
- Và rất nhiều yếu tố khác…
Ý kiến
- Đĩa than đem đến chất âm rất tự nhiên, điều mà file nhạc số chưa thể làm được.
- Thị trường đĩa than đang có sự hồi phục, nhưng điều đó không kéo dài mãi mãi.
- Bỏ qua vấn đề chi phí và lưu trữ, việc sử dụng cả hai định dạng đĩa than và nhạc số hoàn toàn khả thi.
Trải nghiệm
Khi đĩa CD được giới thiệu vào đầu thập niên 80, nhiều người đã lựa chọn đầu CD của Philips, vốn được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, chất lượng các bản thu trên CD không tốt, dẫn đến việc chất âm thiếu đi sự chi tiết, thô, chói và khó nghe. Ở thời điểm đó, nhiều người tin rằng câu khẩu hiệu “Âm thanh hoàn hảo vĩnh viễn” của Sony sẽ không bao giờ trở thành sự thật.
Thế nhưng qua nhiều năm, khoảng cách giữa đĩa than và nhạc số ngày càng thu hẹp dần. Các đầu CD mới với DAC tích hợp và đầu ra analog sở hữu chất lượng ngày càng cao. Quá trình chuyển đổi từ analog sang digital (ADC) cũng được hoàn thiện dần, giúp các bản thu nhạc số ngày càng hay hơn. Giờ đây, sau hơn 3 thập kỷ từ ngày digital xuất hiện, CD đã mang chất âm cực kỳ hay, bất chấp việc tín đồ của đĩa than vẫn cho rằng đĩa than nghe hay hơn nhạc số.
Đĩa than nhận được sự ưu ái này không phải vì sở hữu chất âm trung thực hơn, mà có khả năng vì quá trình tái tạo âm thanh từ đĩa than đã tạo ra những hài âm dễ chịu hơn. Dưới đây là phổ của mâm đĩa than Pro-Ject RPM 9 với test tone 1kHz.
Nếu chú ý kỹ thì sẽ thấy ở đây có một lượng lớn méo hài bậc hai tại dải 2kHz. Quan niệm thông thường cho rằng méo hài bậc hai có chất âm khá dễ chịu. Chúng thêm vào độ ấm áp cũng như góp phần hình thành nên âm hình. Các hài âm khác trong phổ này thấp hơn và ít quan trọng bằng.
Còn dưới đây là phổ của đầu Blu-ray Panasonic DP-UB9000 UHD:
Có thể thấy không một hài âm nào xuất hiện một cách rõ rệt. Sự hiện diện của méo hài bậc hai trên đĩa than chính là yếu tố quan trọng để phân biệt giữa đĩa than và nhạc số. Đó cũng là lý do vì sao đĩa than thường được cho là có chất âm hay.
Như vậy, theo ý kiến cá nhân của người viết bài, ở thời điểm hiện nay, những định dạng nhạc số cao cấp nhất cũng sẽ ngang bằng với những đĩa than có chất lượng tốt nhất. Nói vậy không có nghĩa là chúng sẽ nghe giống nhau, nhưng cả hai đều nghe rất hay. Do đó, người dùng nên suy nghĩ trước khi đưa ra lựa chọn hoặc tốt nhất là chọn cả hai.